Mua được bản quyền AFF Cup 2018 đã khó, giữ được bản quyền để không bị vi phạm càng khó hơn. Vì thế Next Media đang thỏa thuận với công ty luật Phan Law Vietnam để công ty này hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm.
Người hâm mộ bóng đá VN sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất nếu như bản quyền AFF Cup do Next Media và VTV sở hữu trên lãnh thổ VN bị vi phạm. Bài học nhãn tiền ở năm 2017 vẫn còn nóng hổi khi VTVCab bị xâm phạm tràn lan bản quyền Champions League 2017. Hậu quả là VTVCab bị UEFA cắt sóng ngay trước trận chung kết giữa Juventus và Real Madird. Ngoài thiệt hại của VTVCab, thì người hâm mộ bóng đá VN cũng bị thiệt thòi khi không được xem trận chung kết hấp dẫn này.
Đến World Cup 2018, VTV cũng bị hơn 300 trường hợp vi phạm bản quyền khiến họ phải nỗ lực để xử lý các đơn vị và cá nhân vi phạm. Rất may cho VTV và người hâm mộ VN khi World Cup 2018 vẫn được trực tiếp trọn vẹn và người hâm mộ được xem đầy đủ giải đấu này. Tuy nhiên FIFA cũng không ít lần gởi lời cảnh báo đến đơn vị sở hữu bản quyền. Nếu không kịp xử lý các trường hợp vi phạm thì phải đối mặt với nguy cơ bị cắt sóng bất cứ lúc nào. Từ chuyện VTVCab và nỗi lo của VTV ở World Cup là hồi chuông cảnh báo cho những người có khả năng “vô tình” hoặc “hữu ý” vi phạm bản quyền các giải đấu sắp tới tại Việt Nam, đặc biệt là khi AFF CUP 2018 sắp tới gần.
Công ty Cổ phần Giải pháp Truyền hình Thế Hệ Mới (Next Media) vừa công bố gói bản quyền truyền hình AFF Cup 2018 mà họ mua từ Lagardère Sports and Entertainment (LSE), đơn vị sở hữu bản quyền giải đấu này. Theo đó, Next Media độc quyền và được phép phân phối lại cho các đơn vị thứ ba tại toàn bộ hệ thống trả tiền trên hạ tầng vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, internet, mạng xã hội, mạng di động trên lãnh thổ Việt Nam. Next Media cũng mua quyền trình chiếu công cộng AFF Cup 2018 từ LSE.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn của Phan Law Vietnam, Next Media đã có phương án không để xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình AFF Cup 2018, đồng thời đảm bảo cung cấp “sóng sạch” tới càng nhiều người hâm mộ càng tốt. Các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ phải chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền, cụ thể ở đây là trình chiếu, phát sóng hình ảnh không có bản quyền trước khi tính toán các mức xử lý lẫn đền bù thiệt hại. Được biết, Next Media đang thỏa thuận để Phan Law Vietnam hỗ trợ xử lý vi phạm do văn phòng luật này có nhiều năm kinh nghiệm phối hợp với các đơn vị sở hữu bản quyền xử lý những hành vi xâm phạm bản quyền phát sóng ở cúp Champions League, Europa League, giải Ngoại hạng Anh…
Ở Việt Nam được liệt kê hai nhóm đối tượng thường có hành vi vi phạm bản quyền. Thứ nhất là các cơ quan truyền thông, nhóm đối tượng thứ hai chính là người hâm mộ. Vì thế bên cạnh việc xử phạt nghiêm khắc và tận gốc những đơn vị và cá nhân vi phạm, việc nâng cao nhận thức của người dân về bản quyền cũng là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách mà các cơ quan chức năng cần quan tâm và chủ động thực hiện.
Nguồn: Thanh Niên